Blockchain là gì?
Khái niệm về nền tảng Blockchain
Blockchain là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối (block) được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian để tạo thành một chuỗi (chain). Mỗi khối trong Blockchain sẽ được liên kết với khối trước đó, chứa thông tin về thời gian khởi tạo khối đó kèm một mã thời gian và dữ liệu giao dịch.
Hiểu đơn giản, Blockchain có thể được xem là một cuốn sổ cái điện tử được phân phối trên nhiều máy tính khác nhau, lưu trữ mọi thông tin giao dịch và đảm bảo các thông tin đó không thể bị thay đổi dưới bất kỳ hình thức nào.
Mọi thông tin được lưu trên cuốn sổ cái đó sẽ được xác nhận bởi hàng loạt máy tính được kết nối trong một mạng lưới chung. Sẽ không một cỗ máy nào có khả năng thay đổi, viết đè lên hay xóa dữ liệu trong cuốn sổ cái đó.
Sự ra đời của Blockchain
Ý tưởng về Blockchain được bắt nguồn từ năm 1991 bởi 2 nhà nghiên cứu là Scott Stornetta và Stuart Haber. Hai tác giả này đã đăng tải một bài báo với tiêu đề: “Làm thế nào để đóng dấu thời gian một tài liệu kỹ thuật số”. Qua bài báo này, họ đã trình bày ý tưởng về chuỗi dữ liệu bất biến giúp xác định thời gian chính xác của các tệp dữ liệu để không bị chỉnh sửa và giả mạo. Tuy nhiên, ở thời điểm bấy giờ, cách giải thích của hai tác giả được coi là chưa hoàn chỉnh và giới chuyên gia vẫn cho rằng sẽ luôn cần một bên thứ 3 để đảm bảo.
Các năm sau đó công nghệ Blockchain được một số nhà khoa học nghiên cứu và đề cập đến. Tuy nhiên, cha đẻ của Blochain được ghi nhận là Satoshi Nakamoto khi vào năm 2008 ông đã thực hiện đăng ký tên miền tạo trang web bitcoin.org đồng thời xuất bản tài liệu về tiền điện tử. Tuy nhiên, trong thực tế hầu như không ai biết Satoshi Nakamoto thực sự là ai, đây vẫn đang là dấu chấm hỏi thu hút sự tò mò của rất nhiều người.
Cấu trúc hoạt động của công nghệ Blockchain
Đặc điểm của Blockchain là mỗi khối (Block) nằm trong chuỗi được lưu trữ gồm 3 cấu phần chính: Dữ liệu, Hash của khối hiện tại và Hash của khối trước đó.
- Dữ liệu: Tùy vào từng mạng lưới Blockchain, dữ liệu được lưu trữ sẽ là các loại thông tin khác nhau. Ví dụ: Blockchain của Bitcoin sẽ lưu trữ dữ liệu về các giao dịch như thông tin người gửi, thông tin người nhận, thời gian và chi tiết giao dịch.
- Hash (mã băm) của khối hiện tại: Đây là mật mã dùng để làm đặc điểm nhận dạng cho các Block. Mỗi Block có một Hash duy nhất và được xem như dấu vân tay. Khi có bất kỳ sự thay đổi nào trong Block thì mã băm cũng thay đổi.
- Hash (mã băm) của khối trước: Đây là Hash giúp các khối (Block) có thể liên kết được với nhau và tạo thành một chuỗi (Chain). Khi Hash của một khối nào đó bị thay đổi, ngay lập tức sẽ tạo ra sự bất thường trong chuỗi, nhờ đó có thể giúp dễ dàng phát hiện các sai lệch hoặc các hành vi cố tình bẻ khóa Blockchain. Ngoài ra, khối đầu tiên trong Blockchain không được liên kết với bất kỳ khối nào trước đó nên được gọi là Genesis Block hay “Khối nguyên thuỷ”.
Công nghệ Blockchain giải quyết vấn đề gì?
Các ứng dụng phổ biến của Blockchain
Nhờ những ưu điểm mà nó sở hữu như: tăng khả năng bảo mật của thông tin, ngăn chặn việc đánh cắp thông tin,…. mà công nghệ blockchain kể từ khi ra đời đã được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, từ cung cấp dịch vụ tài chính đến quản trị hệ thống bỏ phiếu. Dưới đây là các ứng dụng phổ biến nhất của Blockchain:
- Tiền điện tử: Việc sử dụng Blockchain phổ biến nhất hiện nay là tiền điện tử như Bitcoin hoặc Ethereum. Khi mọi người mua, trao đổi hoặc chi tiêu tiền điện tử, các giao dịch được ghi lại trên một blockchain. Càng nhiều người sử dụng tiền điện tử thì Blockchain càng có thể trở nên phổ biến hơn.
- Ngân hàng: Ngoài tiền điện tử, Blockchain đang được sử dụng để xử lý các giao dịch bằng tiền tệ fiat như USD và EUR. Công nghệ này giúp việc gửi tiền qua ngân hàng nhanh hơn và các giao dịch được xác minh nhanh hơn ngoài giờ làm việc bình thường.
- Chuyển giao tài sản: Blockchain cũng có thể được sử dụng để ghi lại và chuyển quyền sở hữu các tài sản khác nhau. Công nghệ này hiện đang rất phổ biến với các tài sản kỹ thuật số như NFT - một đại diện cho quyền sở hữu nghệ thuật kỹ thuật số và video.
- Hợp đồng thông minh: Một ứng dụng khác của Blockchain là các hợp đồng tự thực hiện thường được gọi là “hợp đồng thông minh”. Các hợp đồng kỹ thuật số này được ban hành tự động sau khi các điều kiện được đáp ứng.
- Giám sát chuỗi cung ứng: Chuỗi cung ứng bao gồm một lượng lớn thông tin, đặc biệt là khi hàng hóa đi từ nơi này sang nơi khác của thế giới. Lưu trữ thông tin này trên blockchain sẽ giúp việc quay lại và giám sát chuỗi cung ứng dễ dàng hơn.
- Bỏ phiếu: Các chuyên gia đang tìm cách áp dụng Blockchain để ngăn chặn gian lận trong bỏ phiếu. Về lý thuyết, bỏ phiếu Blockchain sẽ cho phép mọi người gửi phiếu bầu không thể bị giả mạo.
Ứng dụng đa dạng và cụ thể của Blockchain vào các lĩnh vực trong đời sống
Thị trường trò chơi
Thông thường hầu hết các game truyền thống đều sử dụng mô hình tập trung, trong đó người chơi không có quyền sở hữu thực sự tài khoản cũng như các vật phẩm trong game. Tuy nhiên, hiện nay với các ứng dụng của Blockchain, thị trường trò chơi giải trí đã đã có thể hiện thực hóa được quyền sở hữu trên nền tảng phi tập trung.
Với tài khoản được được liên kết với token trên Blockchain và được duy trì bởi mạng phân tán, người chơi có thể sở hữu vĩnh viễn và kiểm soát tài sản của mình trong trò chơi. Đồng thời người chơi cũng có thể trao đổi và mua bán các vật phẩm trong game để kiếm tiền và thực sự rút được tiền nhờ NFT (non-fungible token) – một ứng dụng của công nghệ của Blockchain.
Dịch vụ tài chính, ngân hàng
Một trong những khó khăn lớn nhất của lĩnh vực tài chính – ngân hàng đó là bảo mật thông tin cũng như kiểm soát sự trung thực của các bên trung gian. Với việc ứng dụng công nghệ Blockchain, những vấn đề này có thể được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả.
Ví dụ về ứng dụng của công nghệ Blockchain trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng bao gồm:
- Trực tiếp xác thực thông tin khách hàng và điểm tín dụng không cần thông qua trung gian.
- Sổ cái kỹ thuật số giúp xác minh, thực hiện thanh toán và cập nhật thông tin các giao dịch ngang hàng một cách liên tục.
- Tiền mã hóa, hệ thống tiền tệ phi tập trung (DeFi) giúp thực hiện giao dịch xuyên biên giới một cách nhanh chóng, chính xác.
Y tế, chăm sóc sức khỏe
Hiện nay rất nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang thúc đẩy quá trình số hóa lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe. Trong đó ứng dụng công nghệ Blockchain được sử dụng rộng rãi nhờ các tính năng đột phá so với các công nghệ truyền thống.
Một số ví dụ về ứng dụng của công nghệ Blockchain trong lĩnh vực y tế:
- Sử dụng công nghệ để theo dõi và quản lý bệnh lý của khách hàng
- Quản lý chuỗi cung ứng các sản phẩm thuốc và thiết bị y tế: Theo dõi toàn bộ từ đầu vào, nguồn gốc cũng như quá trình sử dụng của các vật tư y tế.
Logistics, chuỗi cung ứng
Công nghệ Blockchain giúp hỗ trợ ghi lại dữ liệu về toàn bộ vòng đời sản phẩm, bao gồm tất cả các bước của chuỗi cung ứng. Qua đó, giúp tăng hiệu quả trong quá trình trao đổi thông tin giữa các bên liên quan như theo dõi đơn đặt hàng, lưu trữ thông tin các biên lai, hoá đơn chứng từ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm,….
Một số ví dụ về ứng dụng của Blockchain trong ngành Logistics, chuỗi cung ứng và xuất nhập khẩu:
- Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xác thực các tài liệu có liên quan một cách rõ ràng và minh bạch.
- Đóng gói thông minh (smart package) kèm theo mã in kỹ thuật số.
- Kết hợp trí tuệ nhân tạo và IOT để giám sát hành trình và phương tiện vận chuyển.
Nông nghiệp
Một trong những thách thức lớn nhất của các sản phẩm nông nghiệp ở Việt Nam là vấn đề về truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao lòng tin cũng như sự trung thành của người tiêu dùng. Bằng hệ thống sổ cái phân tán của công nghệ Blockchain giúp nhà bán lẻ, người tiêu dùng cũng như các bên có liên quan lưu trữ các thông tin giao dịch trong suốt quá trình sản phẩm từ nơi sản xuất đến cơ sở chế biến, mạng lưới nhà phân phối, siêu thị, cửa hàng bán lẻ và cuối cùng là người tiêu dùng.
Một số ví dụ về ứng dụng của Blockchain trong lĩnh vực nông nghiệp:
- Quản lý chuỗi cung ứng sản phẩm, chuỗi phân phối hàng tồn kho.
- Lưu trữ thông tin về hàng hóa, quy trình chăm sóc cũng như các tiêu chuẩn trong quá trình nuôi trồng thực phẩm.
- Truy xuất nguồn gốc và vòng đời sản xuất các loại nông sản.
Trên đây là tổng quan thông tin về Blockchain là gì và những vấn đề mà công nghệ này giải quyết. Có thể thấy rằng, mặc dù vẫn còn nhiều tranh luận về tương lai của công nghệ Blockchain, chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích mà Blockchain đã và đang mang đến cho nhiều lĩnh vực đời sống, kinh doanh. Blockchain chính là một xu hướng trong tương lai mà chúng ta không thể bỏ qua!
Đọc thêm nhiều bài viết hay dành cho người mới tại đây
Flow us : Telegroup Chat / Telegroup Channel / Twitter